Apple và Facebook đang “chiến tranh lạnh” do đối lập về chính sách sử dụng dữ liệu người dùng Mâu thuẫn bùng lên khi Apple tuyên bố người dùng có quyền cho phép ứng dụng theo dõi hoạt động cá nhân hay không. Facebook, công ty kiếm tiền từ việc thu thập dữ liệu này, đã đăng quảng cáo khổ lớn trên các tờ báo nổi tiếng nhằm lên án động thái của Táo khuyết. Trong phát biểu gần đây, CEO Tim Cook tiếp tục chỉ trích các công ty có tham vọng thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt và cảnh báo về những hậu quả khôn lường. Hai gã khổng lồ công nghệ có mô hình kinh doanh khác nhau, nhưng đều đặt cược toàn bộ vào lĩnh vực của mình. Vì vậy, khó có khả năng một bên chịu lùi bước. Trong khi đó, vấn đề quyền riêng tư ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Dữ liệu người dùng là vấn đề trọng tâm trong cuộc chiến giữa Apple và Facebook. Ảnh: Venturebeat.Vào tháng 1, người dùng WhatsApp tức giận “dọn nhà” sang những phần mềm nhắn tin mã hóa khác khi Facebook ép họ chia sẻ dữ liệu cá nhân nếu muốn tiếp tục sử dụng. Cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia cũng bắt đầu đưa ra quy định chặt chẽ hơn về quyền riêng tư và bảo mật thông tin. Tất cả điều này khiến cho những công ty còn đứng ngoài cuộc chiến phải đưa ra lựa chọn: bên thu thập, khai thác dữ liệu người dùng hay phe tôn trọng và bảo vệ thông tin cá nhân khách hàng. Vậy làm thế nào để một công ty có được sự tin tưởng của người dùng trong việc thu thập và sử dụng dữ liệu? Thay đổi cách công bố chính sách quyền riêng tư Công ty thu thập và chia sẻ dữ liệu cần thông báo chính sách bảo mật một cách minh bạch, để người dùng có thể dễ dàng hiểu. Điều này có vẻ đơn giản, tuy nhiên, hiện tại các bản thỏa thuận và quy định thường dài, chi chít thuật ngữ pháp lý, khiến người dùng chỉ cuộn qua mà không để ý nội dung bên trong. Một chính sách bảo mật dễ hiểu phải nêu rõ dữ liệu nào mà công ty sẽ thu thập và những gì thuộc về người dùng. Nó phải rõ ràng, không có biệt ngữ và có thể hiểu mà không cần từ điển. Ứng dụng chăm sóc sức khỏe phụ nữ Clue làm tốt điều này. Nhà phát triển đã phác thảo chính xác dữ liệu mà họ thu thập từ người dùng và lý do. Đặc biệt, khi người dùng chia sẻ những dữ liệu nhạy cảm như thông tin sức khỏe, thì sự minh bạch này sẽ tạo niềm tin rất lớn. Các công ty cần trình bày chính sách quyền riêng tư một cách dễ hiểu hơn. Ảnh: All Connect.Theo nghiên cứu của Cisco, trong năm 2020, 91% các công ty thực hiện tốt chính sách bảo mật - bao gồm cả sự minh bạch - đã nhận được niềm tin và cam kết gắn bó lâu dài của người dùng. Một lợi ích khác của chính sách bảo mật thân thiện với người dùng là giúp các nhà lãnh đạo công ty dễ đưa ra quyết định khi thay đổi quy định về quyền riêng tư. Nếu bản thân họ không thể công khai việc sử dụng dữ liệu của người dùng thì có lẽ đã đến lúc cần xem xét lại.