- Không bỏ qua kiến thức lớp 10, 11: Chương trình toán lớp 10, 11 chủ yếu là phần kiến thức nền tảng về hình học không gian, lượng giác và đại số (phương trình, bất phương trình và hệ phương trình). Đây là nội dung khi luyện thi toán đại học được đánh giá khó và thường có trong các đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ, trong khi chương trình lớp 12 không dạy lại. Bởi vậy, thí sinh nên chủ động ôn thi kỹ phần này để tránh bỡ ngỡ khi làm bài thi. - Ôn tập kỹ từng bài: Khi luyện thi đại học môn toán, thí sinh cần bám sát nội dung sách giáo khoa, học thật kỹ phần lý thuyết rồi áp dụng làm bài tập đầy đủ từ dễ đến khó. Khi đã nắm chắc phần cơ bản mới chuyển sang phần nâng cao để đạt hiệu quả. - Học nhóm: Học nhóm như một lớp toán chất lượng giúp bạn phát huy tối đa khả năng của bản thân, đồng thời các thành viên trong nhóm có thể phối hợp để bổ sung kiến thức cho nhau một cách hiệu quả. Ngoài ra, học nhóm còn giúp thí sinh tránh được những áp lực khi ôn thi. - Hệ thống kiến thức từng chương: Thông thường, trong đề thi ĐH, CĐ các bài tập được ra dưới dạng tổng hợp, để làm được đòi hỏi thí sinh phải nắm vững và biết cách hệ thống kiến thức từng chương. Sau khi học mỗi chương trong sách giáo khoa, thí sinh cần làm các dạng bài tập tổng hợp cuối chương để huy động kiến thức liên quan trong việc giải một bài toán. - Thiết lập thời gian biểu “thông minh”: Để tiết kiệm thời gian và sức lực, đồng thời đạt được kết quả cao nhất cần vạch ra kế hoạch ôn tập hợp lý. Trong khi nghe thầy cô giảng bài, nếu có những điều chưa hiểu rõ có thể hỏi thầy cô giáo để bổ sung kiến thức kịp thời. Đặc biệt, thí sinh nên sắp xếp học bài sớm nhất sau khi nghe giảng để lưu giữ kiến thức tốt hơn. Cần phân chia thời gian học tập sao cho việc học thật đều đặn, bền bỉ và vừa sức.